Thomas Edison từng nói: “Thiên tài là 1% cảm hứng và 99% nỗ lực” (Genius is 1% inspiration and 99% perspiration). Bạn không thể thành công nếu chỉ có ý tưởng trong đầu, bạn cần làm việc chăm chỉ miệt mài và biết tự rút kinh nghiệm mỗi lần phạm lỗi sai. Nỗ lực ở đây không phải chỉ là chăm chỉ đến quên hết mọi thứ, mà bạn phải nhận thức được mình đang làm gì, làm như thế nào, cái gì mình đã làm được, cái gì còn cần phải khắc phục.
1. THIẾT LẬP MỤC TIÊU
SỨC MẠNH CỦA MỤC TIÊU
Mục tiêu là bài học quan trọng nhất trong tất cả các bài học về thành công. Mục tiêu sẽ giúp cho các bạn có động lực để mình quyết tâm hành động để đạt được mục tiêu đó. Nếu con người không có mục tiêu thì không thể sống được. Mục tiêu càng lớn và lí do càng mạnh thì bạn càng có động lực để hành động nhiều hơn. Tuy nhiên khi bạn đặt mục tiêu thì chúng ta phải biết cách thức để xác định chúng. Hãy chia mục tiêu thành từng bước nhỏ để chúng ta luôn luôn công nhận kết quả của mình vào từng giai đoạn để tạo ra niềm vui và động lực trong suốt quá trình. Mục tiêu quan trọng để thúc đẩy chúng ta làm việc nhiều hơn đó chính là gia đình và di sản của mình.
MỤC TIÊU CHÍNH-PHỤ
Mục tiêu được phân loại ra thành mục tiêu dài hạn và ngắn hạn; mục tiêu chính và phụ. Ý của tác giả muốn nói ở đây là những mục tiêu chiếm 20% quan trọng hơn 80% mục tiêu còn lại. Ví dụ như việc bạn đi học đại học thì việc lấy được bằng tốt nghiệp loại tốt là mục tiêu phụ, nhưng có việc làm tốt và lâu dài thì mới là mục tiêu chính. Chúng ta phải phân biệt được mục tiêu chính và phụ để có sự ưu tiên trong việc hành động. Quan trọng nữa là chúng ta phải nhắc nhở bản thân liên tục để có nguồn cảm hứng và kỷ luật để hành động. Hơn nữa hãy review lại mục tiêu của mình, nếu bạn đạt được thì hãy ăn mừng cho kết quả mình có được, nếu bạn chưa được thì bạn cũng sẽ rút ra được bài học. Thần chú của Jim Rohn là “Bài học qua việc này là gì?”
ĐẶT CÂU HỎI CHO BẢN THÂN
Tiếp theo, chúng ta phải luôn luôn tìm cách để nhờ cậy sự giúp đỡ của người khác và đặt câu hỏi cho sự yêu cầu đó. Chúng ta phải luôn tò mò, luôn đặt câu hỏi cho bản thân mình. Bởi vì đó là kỹ năng cần phải thực hành rất nhiều.
QUẢN LÝ THỜI GIAN
Hơn nữa, bạn nên đặt ra những khoảng thời gian mà ta tập trung để làm việc và khoảng thời gian để thư giãn, lưu ý hãy tách biệt hai khoảng thời gian này ra thật rõ ràng thì tính hiệu quả của nó càng cao. Ông có nói rằng: “Đang ở đâu thì tâm hồn ở đó”. Khi bạn đang làm một việc gì đó thì hãy để tâm trí mình tập trung hoàn toàn vào nó.
NGHĨ LỚN
Bài học quan trọng nhất của việc đặt mục tiêu là: sức mạnh ma thuật của việc nghĩ lớn. Việc nghĩ lớn sẽ tăng kỹ năng học nhanh rất nhiều, đem đến cho bạn nhiều cơ hội hơn và làm việc mọi thứ hiệu quả hơn. Vì vậy bài học đặt mục tiêu và nghĩ lớn là bài học mà cuốn sách thành công nào cũng đề cập tới. Tuy nhiên chúng ta thường không đặt mục tiêu đủ lớn và rõ ràng. Bạn phải rõ ràng tại sao mình phải đạt được mục tiêu đó.
2. HỌC TẬP
NẮM VỮNG NGUYÊN LÝ TRƯỚC
Để học thì chúng ta phải tìm hiểu nguyên lý trước rồi thực hành theo ngữ cảnh sau. Nghĩa là chúng ta phải học từ những nguyên lý, nền tảng trước và rồi thực hành trong những ngữ cảnh khác nhau. Ví dụ khi bạn muốn học nhanh ngoại ngữ, hay học nhanh một phần mềm thiết kế thì bạn phải hiểu rõ “học nhanh” là như thế nào, chẳng hạn như phương pháp học nhanh 3C rồi mới áp dụng những nguyên lý chiến thuật phù hợp vào từng ngữ cảnh khác nhau.
VIẾT JOURNAL
Thứ hai là luôn luôn nắm bắt mọi ý tưởng bằng việc viết journal. Bài học này Tôi cũng học được từ những thiên tài lớn của thế giới như Leonardo Da Vinci.
DI SẢN HÌNH ẢNH VÀ VIDEO
Thứ ba là chụp ảnh, quay video. Đây có thể là bài học tôi áp dụng nhiều nhất từ Jim Rohn. Các bạn có thấy rằng tại sao tôi có rất nhiều hình ảnh và video không? Chẳng hạn tôi có sẵn một video quay quá trình tôi theo đuổi bạn gái của tôi. Bởi vì đó chính là di sản của mình. Tác giả có đề cập đến 3 loại di sản. Một là những cuốn sách bạn đã đọc. Hai là quyển journal của bạn. Số ba là những tấm ảnh và video bạn có được. Từ những di sản này bạn có thể biết được bạn đã làm gì và bạn đã trưởng thành như thế nào. Để rồi từ những hiểu biết về bản thân mình trước đây, bạn có thể hoạch định ra kế hoạch trong tương lai tốt hơn. Và đó cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi tại sao tôi có động lực để viết journal nhiều? Từ bài học này tác giả có nói rằng “tích lũy quá khứ để đầu tư vào tương lai”.
HỌC TỪ NGƯỜI KHÁC
Bài học tiếp theo đó là học từ người khác. Mình luôn luôn quan sát và nắm bắt mọi ý tưởng từ journal đến chụp ảnh quay phim để học hỏi từ bản thân mình. Khôn ngoan hơn nếu như bạn học từ những người giỏi hơn. Jim Rohn có một mentor mà nhờ người đó Jim Rohn từ cuộc đời nghèo khó ở tuổi 25 sau 6 năm làm việc cùng với mentor này đã trở thành triệu phú ở tuổi 31 và để lại di sản vô cùng quý báu cho thế giới. Vì vậy sức mạnh học hỏi được từ người khác rất lớn. Ông nói rằng “thà bỏ ăn chứ không được bỏ đọc sách”, phải dinh dưỡng cho não bộ của mình 1 đến 2 cuốn sách 1 tuần và lập mục tiêu đọc sách. Bởi vì sách quá rẻ so với giá trị mà chúng ta nhận được, nên hãy mua sẵn sách một cách chọn lọc để khi bạn có thời gian sẽ ngồi lại đọc chúng theo thứ tự ưu tiên mà bạn đã sắp xếp.
Ông có nhấn mạnh một điều nữa là nỗ lực tự học thì quan trọng hơn là giáo dục truyền thống. Các bạn đọc sách, hiểu nó và áp dụng thì quan trọng hơn là việc học ở trên trường.
NETWORKING
Bài học cuối cùng là luôn cố gắng lắng nghe và chia sẻ với những người khôn ngoan hơn bạn. Mỗi tuần hãy mời người đó đi ăn tối khoảng 2h đồng hồ. Từ khi tôi học được bài học này, tôi đã dành dụm tiền để mời một anh chị nào đó đi ăn tối để học hỏi kinh nghiệm từ họ. Hơn nữa hãy quan sát để vận hành mọi thứ. Chúng ta hãy luôn viết xuống những quan sát của mình trong ngày vào journal.
Đơn giản là chúng ta học cách chủ động bắt tay trước và mỉm cười với người khác để ít nhất bạn cho họ một niềm vui gì đó. Khi bạn cho đi niềm vui thì bạn sẽ nhận lại được hạnh phúc.
3. THAY ĐỔI
PHÁT TRIỂN BẢN THÂN THÔNG QUA CÔNG VIỆC
Hãy làm cho mình nhiều hơn là cho công việc. Đây là một bài học quan trọng cốt lõi của ông. Khi bạn đi làm thì bạn phải phát triển bản thân mình quan trọng hơn là công việc bạn đang làm. Ví dụ như lúc mới ra trường tôi đi làm ở một công ty trong ngành Logistic. Trong khi đóng góp cho công ty thì tôi có mong muốn rằng tôi phải học được nhanh nhất có thể ngành này. Thật ra sau 5 tháng đi làm, tôi rất tự tin về chuyên môn và lương bổng của mình so với các bạn cùng ngành. Jim Rohn nói rằng “hãy làm nhiều hơn mức được trả công”. Đó là chiến lược đơn giản nhất và hiệu quả nhất để bạn được tăng lương. Hãy cung cấp nhiều giá trị hơn cho thị trường, cho khách hàng của bạn.
AI > CÁI GÌ
“Tôi trở thành ai quan trọng hơn là tôi có gì”’. Nếu bạn muốn có nhiều hơn thì phải phát triển bản thân nhiều hơn. Ông nói “nếu như tôi có một triệu đô, thì con người mà tôi trở thành khi có một triệu đô quan trọng hơn số tiền ấy.” Nếu bạn khi kiếm được 1 triệu đô trong thời gian 5 năm thì tôi nghĩ rằng bạn có thể cho hết số tiền đó và có thể dễ dàng kiếm lại được. Bởi vì con người lúc đó của bạn là con người của một triệu phú. Ông nói ở đây là hãy phát triển bản thân nhiều hơn từ tư duy, thái độ tới kỹ năng, kiến thức của mình.
QUY LUẬT THỊ TRƯỜNG
Bạn được trả lương không phải tính theo khối lượng công việc của bạn theo giời gian mà là bởi những giá trị mà bạn cống hiến cho thị trường. Đây cũng là điều cốt lõi để tôi đúc kết ra được công thức Job $1000 của tôi. Bạn phải có phẩm chất bên trong nhiều hơn và có giá trị nhiều hơn thì bạn mới cống hiến được nhiều giá trị cho xã hội.
4 MÙA CUỘC SỐNG
Ông nói rằng trong cuộc sống của mình thì sẽ có 4 giai đoạn cuộc đời xuân, hạ, thu, đông tương ứng với sự thăng trầm của cuộc sống. Chúng ta phải biết rằng thiên thời của mình là lúc nào, địa lợi là lúc nào để mình chọn lựa được điều quan trọng nào trong giai đoạn đó là tối ưu.
- Đông là giai đoạn bạn khó gặt hái được thành quả, ví dụ trong mùa dịch Corona, bạn không đi học được hoặc không thể kiếm tiền được, thì bạn phải vượt qua khó khăn bằng cách kiên nhẫn chờ đợi và tập trung phát triển bản thân mình để chuẩn bị cho mùa xuân.
- Mùa xuân là mùa bạn phát triển nhanh nhất, bạn hãy bận rộn làm hết mình trong thời gian này. Và đây là thời gian mà giá trị bạn tạo ra có năng xuất nhất. Ví dụ khi bạn còn là năm hai đại học thì đó là giai đoạn tốt nhất để bạn tạo ra giá trị cho người thầy, bạn bè cùng khóa của bạn.
- Mùa hạ là thời gian bạn đã vượt qua đỉnh điểm của giai đoạn cống hiến rồi, bạn sẽ có thời gian để chăm sóc, giữ gìn bản thân. Ví dụ năm ba đại học của tôi không học hành gì nhiều, tôi tham gia các chương trình lớn để kết giao với bạn bè, tôi bắt đầu với mối tình đẹp của tôi, rồi tôi dành thời gian 2 tháng chỉ để đọc sách,… Đó là khoảng thời gian mùa hạ của tôi.
- Mùa thu là thời gian mà bạn phải có trách nhiệm giữ gìn những gì bạn đã tạo ra.
Đôi khi chúng ta sẽ có những giai đoạn muốn làm nhiều hơn cũng không được, bạn bắt buộc phải tận hưởng và thư giãn, nhưng có nhiều thời gian bạn phải làm, không thích nhưng bạn vẫn phải làm. Ví dụ mùa thu của tôi là đi du lịch Châu Âu, tôi cho phép bản thân tận hưởng thật nhiều bằng việc đi 17 quốc gia châu âu. Đó là động lực khi mà về Việt Nam tôi có mùa đông của tôi, tôi đã rất vất vả vào việc định hướng nghề nghiệp chuyển ngành từ dầu khí sang ngành Logistic, hoang mang trong vòng 1 tháng rồi bắt đầu đi làm công việc rất cực khổ. Nhưng tôi chỉ cần chịu khó tích lũy để tiến lên lương 1000 đô, tôi lại bắt đầu mùa xuân của mình.
KỶ LUẬT LÀ TẤT CẢ
Bài học tiếp theo là sự kỷ luật. Ông cho rằng nếu không có kỷ luật thì bạn không thể biến những những điều tuyệt vời thành kết quả mong muốn được. Bí mật để ông có được kỷ luật đó là kỷ luật nhỏ. Kỷ luật nhỏ mới dẫn đến những kỷ luật lớn. Ví dụ mỗi ngày bạn ăn một trái táo thì bạn không cần phải đi gặp bác sĩ nữa. Vì vậy dù nó chỉ là một việc nhỏ nhưng bạn vẫn phải làm. Một khi bạn đã làm thì phải làm cho trọn vẹn, không được trì hoãn hay bào chữa. Chẳng hạn như chạy bộ, thì phải chạy bộ mỗi ngày.
4. TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
Bạn nên chia khoảng tiền mà bạn kiếm được thành 70/30. 70% là để bạn sử dụng. 30% còn lại được chia thành 3 khoảng nhỏ hơn: từ thiện, đầu tư và tiết kiệm.
5. QUẢN LÝ THỜI GIAN
Thời gian là nguyên liệu thô cho mọi thứ. Vì vậy ta phải biết cách sử dụng thời gian làm sao cho khôn ngoan nhất.
Cấp độ quản lý thời gian tốt nhất theo Jim Rohn là tính toán thời gian cống hiến của mình dựa trên năng suất tính theo giờ để ta luôn tăng năng suất cho mỗi giờ làm việc của mình bằng cách thêm giá trị cho người khác.
Bạn phải luôn luôn học cách “play hard work hard”, chơi ra chơi, học ra học, tách biệt hai khoảng thời gian đó ra với nhau. Khi bạn đang thư giãn, hãy thả hồn mình thật nhẹ nhàng, để não bộ mình có cái nhìn tổng quát hơn và rộng hơn và từ đó nó sẽ giải quyết những vấn đề hóc búa nhất mà trước đó bạn chưa giải quyết được.
SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI
Luôn luôn kiểm soát cuộc gọi đến và đi, biết được ai gọi và khi nào gọi cho mình. Thói quen của tôi là không dùng điện thoại từ 21h đến 11h trưa hôm sau. Bởi vì tôi không muốn ai gọi làm phiền tôi trong thời gian đó và tôi cũng tự tin rằng chẳng có việc gì quá cấp bách quá quan trọng nên tôi kiểm soát việc đó. Đối với cuộc gọi đi thì bạn hãy lập những checklist cụ thể để khi gọi cho người ta bạn có thể trình bày một cách ngắn gọn nhất và đi thẳng vào vấn đề.
SUY NGHĨ TRÊN GIẤY
Bài học tiếp theo là suy nghĩ trên giấy. Tức là bạn đang suy nghĩ điều gì thì phải viết trực tiếp lên giấy. Ví dụ như tôi đã viết rất nhiều cuốn journal từ lúc đại học đến thời điểm này. Càng ngày tôi viết càng nhiều là đều có lí do của nó. Từ đó bạn lập cho mình các sổ dự án chia ra thành nhiều thông tin cho các dự án khác nhau. Ví dụ sổ về công việc, sổ về tài chính cá nhân, sổ lưu lại những thông tin và các mối quan hệ của mình,.. càng chi tiết càng tốt để bạn có được những quyết định đúng đắn và đúng thời điểm nhất. Tôi cũng đã thiết kế theo phương pháp của tôi đó là 5 journals cũng học hỏi từ bài học của Jim Rohn.
Hãy đặt đúng câu hỏi và đào sâu vấn đề thì càng về sau vấn đề sẽ càng dễ giải quyết hơn. Đây cũng là phương pháp truy vấn Socrates mà tôi có đề cập tới.
LỊCH LÀM VIỆC
Hãy luôn có một cuốn lịch để bạn đánh dấu những mốc quan trọng của mình và người khác. Tốt nhất hãy xem lịch của mình vào cuối tuần để xem lại tuần qua mình đã làm được những gì. Khi bạn khởi động một ngày mới hoặc tuần mới thì bạn phải lên được kế hoạch cho cả ngày hoặc cả tuần đó.
6. CÁC MỐI QUAN HỆ
PHÂN TÍCH 20/80
Bạn hãy phân tích 20/80 của các mối quan hệ của bạn tùy theo mục tiêu mà bạn muốn đạt được. Ví dụ bạn muốn đạt được công việc trong ngành A thì hãy chọn lọc ai phù hợp trong ngành A đó có thể giúp bạn để bạn tập trung xây dựng mối quan hệ đó thêm vững chắc hơn. Đối với những mối quan hệ không cùng tư duy thì bạn có thể hạn chế hoặc thậm chí ngắt kết nối với họ
NHỚ
Ông khuyên rằng chúng ta nên nhớ những sự kiện riêng tư của những mối quan hệ chúng ta cần vun đắp. Ví dụ như sinh nhật của họ hay là những thành công của họ. Bài học này tôi đã áp dụng trong nhiều năm bằng cách năm nằm tôi cũng gửi mail chúc mừng sinh nhật mentor của tôi. Để khi bạn bắt chuyện với họ, bạn gợi nhớ lại những sự kiện, kỷ niệm quan trọng đối với họ để họ tự hào và càng thân thiết với mình hơn. Tất nhiên phải luôn chia sẻ cho họ những điều hay vào tạo ra giá trị cho họ nữa. Đây là phương pháp đơn giản để Jim Rohn phát triển các mối quan hệ.
7. PHONG CÁCH SỐNG
HẠNH PHÚC LÀ QUÁ TRÌNH
Ông ấy có một câu nói thế này “Hãy hạnh phúc với những gì mình có trong khi theo đuổi những gì mình muốn”. Có nghĩa là việc chúng ta hạnh phúc là một hành trình, hãy cố gắng tận hưởng nó với những gì mình đang có. Nhưng không phải vì vậy mà mình không cầu tiến. Mình hài lòng về nó và mình quyết tâm tiến tới tốt hơn nữa. Bởi vì điều quan trọng là sự trưởng thành và phát triển của mình.
CHẤT LƯỢNG > SỐ LƯỢNG
Phong cách sống không phải là số lượng mà là chất lượng. Chẳng hạn như là cùng một số tiền mà khác phong cách. Thay vì tôi phung phí tiền vào các cuộc ăn chơi với bạn bè thì tôi tiết kiệm tiền để dẫn người yêu lên tầng 51 của toàn nhà Bitexco ăn một ly kem chất lượng. Đó không phải là tôi tiêu tiền sang mà là tôi tiết kiệm để có được những khoảnh khắc đẹp đó với người yêu của mình.
Luôn luôn lên kế hoạch đi chơi, du lịch và ăn uống lành mạnh. Bởi vì phong cách sống của bạn rất liên quan đến sự nghiệp của mình.
CẢM XÚC
Jim Rohn nói rằng “kế hoạch thì phải có cảm xúc đủ mạnh thì mới hành động được”. CHúng ta phải luôn có cảm xúc trong những việc mình làm. Thế thì làm sao để ta có cảm xúc được? Ta có thể tìm hiểu về lực kéo và lực đẩy. Lực kéo là ta hãy có những niềm vui từ những kết quả và lực đẩy là hãy để cho những nỗi sợ, sự tức giận, buồn chán biến đi để mình có thể tiến về phía trước. Bạn phải áp dụng cả hai lực này để tạo ra cảm xúc.
4 câu hỏi để đời của Jim Rohn:
- Why? Tại sao lại…? Đây là câu hỏi quan trọng nhất cho mọi vấn đề, mục tiêu là gì, đủ rõ và đủ lớn chưa và tại sao chúng ta phải làm vì điều gì?
- Why not? Tại sao không…?
- Why not you? Tại sao không phải là bạn? Tại sao cùng một điều kiện nhưng người khác có thể làm tốt hơn mà bạn lại không thể làm được?
- Why not now? Tại sao không phải là bây giờ? Bạn đang đợi điều gì mà lại không làm điều này điều kia ngay bây giờ?
Mong bạn học hỏi được nhiều điều từ bài blog này
Tham khảo từ: Timvu